Trường trung kỹ thuật nghiệp vụ và công đoàn bình dương

Bảng Màu

login

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: học sinh chọn mô hình 9+, không lo thất nghiệp

14/08/2022 Phan Đình Tiến

Đào tạo theo mô hình 9+ không những tạo những điều kiện thuận lợi cho người học, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

Luật Giáo dục mới được thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) có những điều khoản tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Trong đó, mở đường cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn.

Hiện nay, một số trường trung cấp, cao đẳng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang thí điểm tuyển sinh và đào tạo học sinh hoàn thành bậc trung học cơ sở - thường được gọi là Mô hình 9+.

Đây được xem như một giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu "Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng" mà Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.

Để học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về mô hình này, Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp).

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Phóng viên: Nhiều chuyên gia cho rằng, đào tạo thẳng từ lớp 9 lên cao đẳng thông qua mô hình 9+ như một giải pháp hiệu quả thực hiện sách phân luồng sớm, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ông Vũ Xuân Hùng: Đúng là như vậy, trong nhiều giải pháp phân luồng thì đây là một mô hình khá hiệu quả.

Theo mô hình này người học vừa được học nghề và vừa được học văn hóa trung học phổ thông, có thể là chương trình văn hóa trung học phổ thông rút gọn, không cần lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng;

Hoặc là chương trình văn hóa trung học phổ thông đầy đủ để thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp có thể liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học, rút ngắn thời gian đào tạo.

Ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) - Ảnh: NVCC

Vì có nhiều ưu điểm nên mô hình này hiện đang thu hút khá nhiều học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp.

Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là tại Nhật Bản với mô hình đào tạo KOSEN.

Thưa ông, việc mở ra mô hình này có phải để thu hút ồ ạt người vào học không?

Ông Vũ Xuân Hùng: Hoàn toàn không phải vậy. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, các em được định hướng vào 4 luồng chính gồm:

Học tiếp lên trung học phổ thông; học lên trung cấp; vừa làm vừa học tiếp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống.

Phần lớn ở các tỉnh, thành đều có học sinh học tiếp lên trung học phổ thông với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%… chọn luồng giáo dục nghề nghiệp chỉ là giải pháp của rất ít học sinh.

Đến nay, nhiều phụ huynh lo ngại là con họ vào học mô hình 9+ này thì sẽ không được học tiếp tục học văn hóa, điều này có đúng không, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Hùng: Với lo ngại này thì phụ huynh hoàn toàn yên tâm, với mô hình đào tạo này, người học sẽ tiết kiệm được thời gian học tập, cùng với đó là tiết kiệm chi phí do chương trình được thiết kế liền mạch, người học được học.

Đồng thời những kiến thức văn hóa trung học phổ thông cần thiết nhất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đủ điều kiện học liên thông lên trình độ cao đẳng hoặc có thể học chương trình văn hóa trung học phổ thông để thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tùy theo từng ngành, nghề đào tạo để lựa chọn khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho phù hợp.

Hiện tại, thời lượng dạy học các môn văn hóa trung học phổ thông theo chương trình rút gọn được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định từ 1020 đến 1260 tiết (mỗi tiết 45 phút).

Vì vậy, đào tạo theo mô hình 9+ có là giải pháp tốt đi chăng nữa cũng chỉ thu hút được phần nào học sinh sau trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp.

Hy vọng cũng chỉ là đáp ứng được mục tiêu phân luồng đặt ra theo quy định của Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 202 cũng như Chũng như phân luồng theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp.

Theo đó, các môn văn hóa trung học phổ thông tùy theo nhóm ngành nghề phải học, bao gồm:

+ Nhóm I áp dụng cho các ngành, nghề thuộc các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Kinh tế học gồm các môn: Toán, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn;

+ Nhóm II áp dụng cho các ngành, nghề thuộc các lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Y tế, Thể dục Thể thao gồm các môn: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh vật, Ngữ văn;

+ Nhóm III áp dụng cho các ngành, nghề thuộc các lĩnh vực Văn hoá Nghệ thuật, Du lịch, Hành chính, Văn thư, Pháp luật gồm các môn: Toán, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục mới Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng và ban hành quy định mới về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học giáo dục nghề nghiệp thay thế cho quy định trên từ năm 2010 đã cũ và còn có những bất cập đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Do vậy, các phụ huynh cần yên tâm khi con em mình có nguyện vọng đăng ký tham gia học tập theo mô hình 9+.

Khi mô hình 9+ sẽ rút ngắn thời gian đào tạo thì chất lượng đào tạo có đảm bảo và người học theo mô hình này đáp ứng được ngay yêu cầu của doanh nghiệp tức là không rơi vào tình trạng thất nghiệp không thưa ông?

Ông Vũ Xuân Hùng: Đào tạo theo mô hình 9+ không những tạo những điều kiện thuận lợi cho người học, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, vì bản chất của việc đào tạo theo mô hình này được gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và thị trường lao động.

Việc rút ngắn thời gian đào tạo của mô hình này là so sánh với cùng đối tượng người học sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông sau đó học trung cấp, cao đẳng rồi học lên đại học, chứ không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo vì:

Người học vừa được học văn hóa theo chương trình rút gọn, vừa được học chuyên môn theo ngành nghề đã đăng ký theo học, thời gian học tập lý thuyết và thực hành đan xen nhau, giảm tải thời lượng văn hóa và lý thuyết nghề, tăng dần thời gian thực hành, thực tập; đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ theo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu năng lực người đạt được sau khi tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) của từng ngành nghề.

Học sinh sớm được tiếp cận, trải nghiệm và học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ngay tại trường và doanh nghiệp; sớm tiếp cận với tác phong làm việc công nghiệp và công nghệ sản xuất tại doanh nghiệp.

Do đó, các em sẽ sớm có bản lĩnh nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn, khả năng thích ứng với công việc tại các vị trí việc làm, nên chắc chắn rằng sẽ không rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh (thực hiện)/giaoduc.net.vn